Tổ chức UI GreenMetric World University Rankings vừa công bố kết quả xếp hạng các trường đại học trên thế giới vào đầu tháng 12/2023. Bảng xếp hạng năm nay có 1.183 trường đại học đến từ 85 quốc gia trên thế giới. Tổ chức UI GreenMetric là tổ chức đầu tiên và duy nhất trên thế giới xếp hạng các đại học theo các tiêu chí về xây dựng, quản trị, phát triển đại học bền vững, thân thiện môi trường và thiên nhiên.
UI GreenMetric khởi xướng thực hiện bảng xếp hạng các trường đại học có môi trường giáo dục xanh và đầu tư phát triển bền vững trên thế giới từ 2010 đến nay. Đây được xem là bảng xếp hạng đầu tiên và uy tín nhất hiện nay trong việc đánh giá, đo lường các tiêu chí phát triển bền vững tại các trường đại học trên thế giới.
Trường tham gia xếp hạng tổ chức này hướng tới các giá trị phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu theo hướng ứng dụng có uy tín trong nước và quốc tế, xây dựng môi trường đa văn hoá giúp sinh viên hội nhập tốt với môi trường làm việc và hướng đến mục tiêu trở thành đại học xanh, thông minh.
Năm nay Đại học Pécs (PTE) vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng UI GreenMetric cho khu vực Hungary. Trong danh sách quốc tế năm 2023, PTE đứng thứ 23, đây là một kết quả rất tốt vì trường phải cạnh tranh với 1182 trường đại học khác trong bảng xếp hạng này. Ở cấp quốc gia, PTE một lần nữa đứng đầu danh sách. Ở vị trí thứ hai là Đại học Szeged, đứng thứ 77 trong bảng xếp hạng thế giới. Trường đại học xanh thứ ba ở Hungary là Đại học Sopron, đứng thứ 130 trong danh sách tổng. Bảng xếp hạng đầy đủ của các trường đại học Hungary như sau:
- Đại học Pécs (21.)
- Đại học Szeged (77.)
- Đại học Sopron (130.)
- Đại học Debrecen (340.)
- Đại học Semmelweis (348.)
- Đại học Eötvös Loránd (368.)
- Đại học Pannonia (583.)
- Đại học Corvinus Budapest (750.)
- Đại học Kinh tế Budapest (785.)
- Đại học Công giáo Károly Eszterházy (870.)
- Đại học Miskolc (1099)
- Đại học Nyíregyháza (1161.)
Tổ chức UI GreenMetric xếp hạng các trường đại học trên thế giới dựa trên 6 lĩnh vực chính, với 45 tiêu chí cụ thể được đánh giá như: Sự thân thiện môi trường của cảnh quan và cơ sở hạ tầng, chính sách năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu, việc quản lý chất thải của trường đại học cũng như chính sách sử dụng và tái sử dụng nguồn nước, hệ thống giao thông thông minh, năng lực giáo dục và nghiên cứu. Trong đó, trọng số lớn nhất (21%) liên quan đến năng lượng và biến đổi khí hậu, trọng số thấp nhất (10%) liên quan đến quản lý nước.